YEUSUVIET.COM - Trong lịch sử Việt Nam, không thiếu những thời kỳ mà nền kinh tế phong kiến mở cửa, giao thương với các các nước phương Tây và Á Đông như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Nhật, Triều Tiên... Bằng sự giao thương sâu rộng đó, người Việt với địa thế thuận lợi của đất nước mình đã sớm xây dựng nên những thương cảng sầm uất như Vân Đồn, Hội An, Thanh Hà, Thành Nam... và Phố Hiến. Phố Hiến thuộc tỉnh Hưng Yên ngày nay vào thế kỷ XVII đã là một thương cảng sầm uất tấp nập tàu bè tứ xứ và cả ngoài nước đến giao thương, buôn bán với Đại Việt - Đàng Ngoài. Đến nỗi, dân gian đã lưu truyền câu nói "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến" để nói về sự sầm uất, phát triển của vùng đất này.
Bài liên quan
Ngược dòng Sử Việt, Phố Hiến thuộc vùng đất nay là tỉnh Hưng Yên. Vào thế kỷ XIII, người Hán sau khi Đại Tống bị người Mông Cổ tiêu diệt hoàn toàn đã chạy nạn sang đây và trước đó nữa, vùng đất này thuộc quyền cai quản của sứ quân Phạm Bạch Hổ thời "Loạn 12 Sứ quân", sau đó là thực ấp của Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) thời Tiền Lê. Tên gọi "Phố Hiến" có thể được xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc cải cách của Hoàng đế Lê Thánh Tông vào thế kỷ XVI và đến thế kỷ XVII, Phố Hiến trở thành thương cảng giao thương quốc tế sầm uất bậc nhất ở Đàng Ngoài cùng với đất kinh kỳ Thăng Long.
Phố Hiến nằm ở vị trí trung tâm của vùng đất gần sát đất kinh kỳ. Nơi đây là nơi hội tụ của tuyến đường thủy từ cửa biển đi vào để đến kinh đô và cũng là nơi hội tụ của các tuyến nội thủy như Sông Hồng, sông Đáy, sông Thái Bình. Do đó, nhờ có cư dân bản địa sinh sống lâu đời (người Việt, người Hoa di cư) thạo nghề buôn bán, cộng thêm địa thế sống ngòi giao thương hội tụ đã giúp Phố Hiến khi có điều kiện vào thế kỷ XVII đã vụt lên trở thành thương cảng giao thương quốc tế. Các quốc gia đã nhanh chóng qua cửa ngõ Phố Hiến để giao thương kinh tế với Đại Việt - Đàng Ngoài như Nhật Bản, Trung Hoa, các nước Đông Nam Á, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh...
Đặc biệt trong số đó, Hà Lan (1637-1700) và Anh (1672-1683) đã thành lập hai thương điếm riêng của mình tại đây. Các thương điếm này có vai trò làm văn phòng đại diện cũng như nơi lưu trữ, tập kết và trung chuyển hàng hóa đến các thị trường quốc tế và buôn bán trong nước lúc bấy giờ. Đáng tiếc, đến thế kỷ XVIII thì các thương điếm trên đều đã bị phá hủy trở thành đồng ruộng...
Ngoài vị thế giao thương và buôn bán, Phố Hiến còn được mang riêng cho mình những nét đặc sắc về dân cư và kiến trúc. Cư dân sinh sống đa sắc tộc cả người Việt và người Hoa, đồng thời còn có một số ít người Nhật Bản sinh sống tại đây. Vì việc di cư đến vùng Phố Hiến từ lâu đời, người Hoa đã xây dựng cho mình những vùng đất riêng với các cửa hiệu kinh doanh, miếu, đền thờ các vị thần theo tín ngưỡng người Hoa bên cạnh nền văn hóa Việt bản địa. Kiến trúc nhà cửa, đình đền ở Phố Hiến từ thế kỷ XVII bắt đầu có sự pha trộn của kiến trúc Châu Âu (Gô-tích) theo các bước chân truyền đạo Công giáo và kiến trúc Trung Hoa lưu vong của vùng Phúc Kiến.
Nhưng vì những biến chuyển của thời cuộc và thiên nhiên, Phố Hiến dần đi vào sự suy tàn.
Sự suy tàn bắt đầu trước tiên từ những thái độ "lạnh nhạt" của chúa Trịnh khi cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn tạm chấm dứt. Trước đó, các thương nhân Hà Lan rất được chính quyền Lê - Trịnh ưu đãi, nhưng sau khi nội chiến chấm dứt, thái độ này không còn và cộng thêm sự cạnh tranh khốc liệt để chiếm lĩnh thị trường từ thương nhân Anh, đã dẫn đến Hà Lan dần mất đi vị thế của mình. Nhưng quan trọng hơn cả, thị trường Trung Hoa quyết định bãi bỏ lệnh đóng cửa giao thương, Hà Lan, Anh kể cả Bồ Đào Nha, Nhật Bản chuyển trọng tâm giao thương sang thị trường Trung Hoa rộng lớn hơn.
Đồng thời các cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất, Nguyễn Hữu Cầu (1739), cuộc chiến Tây Sơn - Chúa Trịnh đã phần nào làm tàn phá nặng nề vùng đất giao thương Phố Hiến khiến cho con đường suy vong càng nhanh hơn. Các thương điếm đóng cửa, thương nhân người Hoa ở địa phương phần lớn di cư về Thăng Long, vỡ đê, nạn đói, chiến tranh... khiến người dân phải tha phương cầu thực tứ xứ. Bên cạnh đó, sông Hồng bồi đắp phù sa, khiến cho vị trí giao thương gần sông của Phố Hiến không còn và các cuộc cải cách hành chính của Hoàng đế Gia Long, Minh Mạng khi Đại Việt đã thống nhất càng khiến cho Phố Hiến nhanh chóng kết thúc thời kỳ hưng thịnh của mình hơn nữa. Cuối cùng, năm 1831, tỉnh lỵ Hưng Yên được thành lập theo cuộc cải cách của Minh Mạng trên nền đất giao thương Phố Hiến cũ. Từ đây, vùng đất sầm uất chỉ đứng sau kinh đô Thăng Long đã lui về quá khứ...!
Sự giao thương, buôn bán trong và ngoài nước là những yếu tố quan trọng để phát triển sức mạnh quốc gia. Phố Hiến trong thời kỳ cực thịnh của mình chắc chắn đã giúp ích không hề nhỏ cho sự phát triển của chính quyền Lê - Trịnh. Nhưng sau đó, khi Chúa Trịnh thay đổi thái độ với vùng đất này và cộng thêm những biến chuyển từ thị trường Trung Hoa, cuối cùng đã dẫn đến Phố Hiến bắt đầu suy tàn. Thêm vào đó, chiến tranh, nội chiến đã nhanh chóng tàn phá nền thương mại Phố Hiến và ở phía còn lại, sự thay đổi của thiên nhiên chỉ đóng vai trò tương đối trong sự suy tàn nhanh chóng của Phố Hiến. Một khía cạnh nào đó, Phố Hiến chắc chắn đã đóng góp một phần không nhỏ cho tiềm lực Đàng Ngoài trong cuộc đương cự với Chúa Nguyễn ở Đàng Trong!
Nhưng cũng giống như Cù Lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai), Phố Hiến đã suy tàn theo thời gian vì cả thiên tai và nhân tai, nhưng nhân tai - chiến tranh, loạn lạc, chính trị, mới là những yếu tố chính dẫn đến sự suy vong của 2 trung tâm thương mại quốc tế này. Người dân có yên bình, tự do giao thương, buôn bán thì mới có thể đóng góp cho tiềm lực quốc gia vững mạnh, lâu bền mà đủ sức đương cự với ngoại bang. Bằng ngược lại, thời kỳ suy tàn của Cù Lao Phố và Phố Hiến đã thể hiện rõ nét một thời kỳ Việt Nam tang tóc của khói lửa chiến tranh, kéo lùi sự phát triển của đất nước! Cù Lao Phố và Phố Hiến - những bài học đắt giá của tiền nhân cho sự phát triển kinh tế, chính trị của quốc gia!
YÊU SỬ VIỆT
Ngày xưa Phố Hiến vàng son thế, Bây giờ tàn tạ , phủ phong rêu!
Trả lờiXóa