YEUSUVIET - Lịch sử Việt Nam trải qua các thời kỳ khác nhau, thời đại khác nhau đã dần xây dựng nên một bức tranh hoàn thiện về số phận con người Việt Nam: kiên cường, bất khuất và nhiều bi ai. Lịch sử Việt Nam phải đau đớn nói rằng đó là lịch sử của dựng nước và giữ nước nhiều hơn lịch sử của xây dựng đất nước. Người Việt dựng nước từ thuở hồng hoang, rồi lại dựng nước từ những đống tro tàn của chiến tranh chống ngoại xâm và nội chiến nồi da xáo thịt. Người Việt giữ nước trước những võ ngựa, mũi đao, hòn đạn của quân xâm lược và lại giữ nước trước những mưu toan lợi ích của từng họ tộc trong chính nội bộ người Việt. Một lịch sử hào hùng và bi tráng như thế, không hề thua kém lịch sử dựng nước của những quốc gia Châu Âu, Trung Hoa, Nhật Bản hay Hàn Quốc... nhưng lại chưa bao giờ phim Sử Việt lại có một chỗ đứng vững chắc trong trái tim người Việt. Đó là một nghịch lý, mà nếu từ quá khứ nhìn về tương lai, những Bậc Tiền nhân Hùng Vương, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Gia Long... sẽ phải ngậm ngùi chua xót...
Bài liên quan
Nhưng chuyện gì cũng có lý do của nó và có lý do vì sao người Việt lại không yêu Sử Việt. Hãy bắt đầu từ người trẻ, vì thời đại nào bao giờ cũng nằm trong tay người trẻ. Những nhà lãnh đạo dày dặn và hai ba thứ tóc trên đầu luôn luôn bắt đầu sự nghiệp của mình từ Tuổi Trẻ. Vậy nên, người trẻ - thanh niên cần biết những gì về lịch sử nước nhà để yêu mến nguồn gốc, cội nguồn của mình!?
Nguồn gốc của chúng ta
Các bạn Trẻ, có bạn có biết nguồn gốc của Dân Tộc Việt chúng ta không? Hãy tự hào! Vì chúng ta có nguồn gốc Con Rồng Cháu Tiên... theo như huyền thoại. Còn trong lịch sử, khi cả trái đất này chỉ có vài triệu người, dân tộc chúng ta là một nhóm nhỏ trong một cộng đồng lớn. Dân tộc chúng ta như một gia đình có Ông bà, Cha mẹ, Con cái, Cháu chắt sống cùng những gia đình khác trong một "thôn xóm" ở phía Nam sông Trường Giang của Trung Quốc hôm nay. Thôn xóm nằm ở phía Nam sông Trường Giang đó có tên là Bách Việt - Hàng trăm dòng giống người Việt. Còn thôn xóm ở phía Bắc sông Trường Giang, là vùng đất của tổ tiên người Hán, Mãn, Khiết Đan, Liêu, Kim, Hạ... mà chúng ta vẫn thường nghe trong tiểu thuyết Kim Dung. Họ lớn mạnh, tràn qua sông Trường Giang, xâm lược và đồng hóa các bộ tộc người Việt - trong đó có người Lạc Việt chính là tổ tiên của Việt Nam hôm nay. Nhưng người Lạc Việt đã giữ vững được dòng giống của mình đến tận hôm nay cho dù chúng ta đã phải trải qua hơn 1.000 năm bị người Hán đô hộ và đồng hóa nhưng Ta vẫn là Ta, vẫn là người Lạc Việt với nguồn gốc, cội rễ riêng của mình.
Hành trình của chúng ta
Hãy nhớ câu nói được so sánh giữa người Nhật Bản và người Việt Nam sau đây:
Nước Nhật nằm giữa đại dương, quanh năm chịu động đất, sóng thần, nghèo khoáng sản và tài nguyên nên chúng ta phải yêu mến đất nước mình, phải học tập thật tốt để xây dựng đất nước Nhật thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.
Việt Nam nằm trải dài bên bờ đại dương, quanh năm khí hậu an hòa, bình an, giàu khoáng sản và tài nguyên nên chúng ta phải yêu mến đất nước mình, phải học tập thật tốt để xây dựng đất nước Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.Đâu là động lực để xây dựng đất nước? Sự giàu có về tài nguyên, khoáng sản, về khí hậu, về con người chăng? Không, đó chính là Hành Trình của chúng ta.
Từ miền rừng núi Phú Thọ xa xôi, dân tộc Việt bước chân lên dãi đồng bằng phù sa Sông Hồng nhỏ bé, rồi bước những bước tiến dài gần 4.000 năm để đến bờ Cửu Long trù phú và giàu đẹp. Hành trình của cha ông chúng ta là một cuộc hành trình chiến đấu, chiến thắng và giữ lấy từng tấc đất hoang vu và giữ lấy từng tấc đất lãnh thổ sơn hà gian khó có được từ cả hai cường địch phía Bắc và phía Nam. Người dân Việt phải tự bước những bước chân trần chông gai của mình đến những vùng rừng thiêng nước độc đầy hổ dữ, cá sấu, rắn độc để lập nghiệp, để khai khẩn và để đánh dấu chủ quyền. Hành Trình đó là Hành Trình của nhân loại, là hành trình của sự phát triển và tiến lên phía trước của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới này.
Trong hành trình của chúng ta, còn là những cuộc nội chiến để vượt ra chính "con người bên trong" của dân tộc chúng ta. Sự bất phục tùng và không thể chấp nhận việc soán nghịch bất nghĩa của Trịnh Kiểm đã khiến Chúa Nguyễn Hoàng "Nam tiến" đến những vùng đất hoang vu ở phương Nam để rong ruổi vó ngựa, xây dựng cơ đồ và chờ ngày "về Bắc". Cuộc rong ruổi đó đã trải dài gần 300 năm để đến khi lịch sử lựa chọn Hoàng đế Minh Mạng là người kết thúc cuộc Hành Trình ngàn dặm của Dân tộc chúng ta. Một Việt Nam hôm nay đã hình thành và chính thức ghi tên mình, xác nhận vị trí của mình trong lịch sử nhân loại.
Lịch sử của chúng ta
Lịch sử của chúng ta là lịch sử của hai đường thẳng song song không bao giờ tách rời nhau: đường thẳng Dựng Nước và đường thẳng Giữ Nước.
Ngày Hùng Vương dựng nước Văn Lang, chúng ta phải chiến đấu để giữ lấy lãnh thổ đất nước mình trước những cuộc xâm lược từ Tần Thủy Hoàng ở phương Bắc.
Ngày An Dương Vương mất nước, tiền nhân ta bắt đầu từ Hai Bà Trưng đến Bà Triệu, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương và Khúc Tiên chủ chưa bao giờ khiến ngọn lửa khát khao giành lấy quyền tự chủ, độc lập của người Việt bị dập tắt. Nhưng hãy nhớ và đừng bao giờ quên, không bao giờ được quên: đó là cuộc trường chinh mà cả dân tộc Việt chúng ta đã phải cố gắng đoàn kết, sát cánh bên nhau đi qua đêm trường 1.000 năm đồng hóa của người Hán. Đó là hành trình đầy bi thương nhưng vô cùng đáng tự hào, vì cuối cùng Ta vẫn là Ta, Nước non Việt vẫn là Nước non Việt và Tổ quốc ta vẫn ngàn đời là Tổ quốc ta.
Ngày Ngô Vương Quyền hát Khúc Ca Khải Hoàn trên sông Bạch Đằng, triệu triệu con tim Việt Nam từ hồng hoang, từ quá khứ và cả hôm nay như nghẹn ngào hai tiếng Tự do - Độc lập sau đêm trường 1.000 năm đi tìm kiếm. Hãy nhớ lấy Lịch Sử chúng ta, hãy nhớ lấy Cuộc Hành Trình vĩ đại tìm Tự do - Độc lập của Cha Ông chúng ta mà hãy tự hào khi nhắc đến hai từ: Sử Việt.
Và cuối cùng, lịch sử của Chúng Ta là lịch sử của những Vương triều Việt viết tiếp những khúc ca thay triều đổi đại, dựng nên những mảng ghép hào hùng, bi thương trong từng thời kỳ lịch sử.
Vạn Thắng Vương lên ngôi Tiên Hoàng Đế, chính thức mở ra Con đường Việt Nam của người Việt Nam nhưng rồi kết thúc trong đau thương ám sát. Lê Hoàn sáng lập triều Tiền Lê, oai dũng phá Tống bình Chiêm, chấm dứt "giấc mộng Trung Hoa" muốn tiếp tục đồng hóa người Việt, nhưng rồi cũng kết thúc đoản mệnh nơi Lê Long Đĩnh.
Lý Thái Tổ oai phong viết nên triều đại mới Thịnh vượng và Văn hiến, nơi có người dũng tướng Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm lần thứ hai phá tan "giấc mộng Trung Hoa" đồng hóa của người hán, rồi lại kết thúc trong lời oán hận của Lý Huệ Tông nơi cửa Phật. Trần triều lên thay, ba lần vĩ đại đánh tan quân Mông Nguyên, giữ lấy trọn vẹn biên cương Đại Việt khi người Hán ở phương Bắc đã chịu khuất phục và số phận lại cũng bắt ép triều đại hùng mạnh đó tức tưởi kết thúc trong cái chết bi ai của Trần Thiếu Đế.
Và, hai triều đại kéo dài nhất - Hậu Lê, cuối cùng - Nhà Nguyễn cũng bắt đầu một cách oai hùng rồi lại kết thúc trong tang thương.
Triều Hậu Lê bắt đầu bằng ngọn cờ Lam Sơn tụ khí hào kiệt phương Nam, đánh đuổi giặc Minh giành lại cho cờ Đại Việt ngự trị trên đất Việt. Đã có lúc đạt đến đỉnh cao của thịnh vượng và giàu có - Lê Thánh Tông, rồi lại rơi xuống tận cùng nỗi đau khi chỉ là trò chơi trong cuộc chiến vương quyền Trịnh - Nguyễn. Triều đại Hậu Lê kết thúc trong nỗi đau tức tưởi Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà - một kết thúc đau thương cho vị Hoàng đế Khai Quốc Lê Thái Tổ.
Triều Hậu Lê bắt đầu bằng ngọn cờ Lam Sơn tụ khí hào kiệt phương Nam, đánh đuổi giặc Minh giành lại cho cờ Đại Việt ngự trị trên đất Việt. Đã có lúc đạt đến đỉnh cao của thịnh vượng và giàu có - Lê Thánh Tông, rồi lại rơi xuống tận cùng nỗi đau khi chỉ là trò chơi trong cuộc chiến vương quyền Trịnh - Nguyễn. Triều đại Hậu Lê kết thúc trong nỗi đau tức tưởi Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà - một kết thúc đau thương cho vị Hoàng đế Khai Quốc Lê Thái Tổ.
Nhà Nguyễn bước lên vũ đài chính trị Đại việt từ thế kỷ XVI, là dòng họ và triều đại có công lao to lớn nhất, vĩ đại nhất và cũng là tội đồ mất nước của dân tộc. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã đặt nền móng Nam tiến xây dựng một Đại Việt hùng cường bên bờ sông Gianh, Thế tổ Gia Long thống nhất quốc gia sau gần 300 năm nội chiến và loạn lạc, nhưng con cháu của các Ngài lại để đất nước rơi vào tay người Pháp, không thể tự mình giữ lấy được vận mệnh dân tộc khi không nhìn ra yếu tố thời đại phải mở cửa, phải giao thương để phát triển đất nước mà cứ mãi đắm chìm trong cái bóng Trung Hoa đang leo lắt, yếu ớt ở phương Bắc.
Năm 1945, ngày 2 tháng 9, bản Hùng ca Độc Lập lần thứ ba vang vọng giữa gầm trời Đại Việt, như tiếng tiền nhân thét lớn xung trận đuổi giặc ngoại xâm khỏi cõi bờ Tổ quốc năm xưa, người Việt giành lại Tự do - Độc lập sau hơn 80 năm chịu kiếp làm nô lệ!
Yêu Sử Việt - Tự hào dòng Sử Việt
Lịch sử dân tộc ta hào hùng bất khuất là như thế. Cha ông ta kiên cường bất khuất là như thế. Thì lẽ nào Chúng ta - những con cháu thời đại hôm nay của các Ngài lại nỡ quên đi, lại nở bỏ ngoài tai những chiến tích huy hoàng Dựng nước và Giữ nước của Cha Ông!?
Suốt cả dòng Sử Việt từ năm 1858 đến năm 1975 và xa hơn thế nữa từ ngày Hùng Vương dựng nước cho đến ngày Non Sông Thống Nhất - Nước Non Nối Liền Một Dãi Sơn Ha Bắc Nam 1975, Dân tộc chúng ta đã đi một hành trình quá dài để chỉ để Dựng nước và Giữ nước, hiếm hoi một khoảng thời gian Hòa bình để xây dưng lại và phát triển nền Văn Hiến nước nhà, nhưng đã phát triển rực rỡ nền Văn hiến đó. Thì hôm nay, Chúng ta - những Thanh niên trong thời đại hôm nay, đang được Cha ông, Tiền nhân đi trước gửi gắm niềm hy vọng về Hành trình thứ ba - Phát Triển Đất Nước.
Đã đến lúc Đất Nước này phải lớn lên.
Đã đến lúc Tổ quốc chúng ta phải đứng dậy.
Đã đến lúc người Việt phải ngẩng cao đầu không chỉ trong chiến tranh mà còn cả trong thời bình bằng kinh tế, văn hóa và trí tuệ.
Hãy yêu mến Sử Việt, hãy nhớ về Nguồn gốc, về Hành trình và về Dòng lịch sử của dân tộc chúng ta. Đừng khô khan với những chiến tích giết được hàng ngàn tên giặc xâm lược, thu giữ hàng ngàn khí cụ chiến tranh. Nhưng hãy tự hào với những chiến tích Bạch Đằng kết thúc đêm trường nô lệ, Như Nguyệt dẹp tan giấc mộng Đại Tống, Chi Lăng - Xương Giang tướng giặc mất đầu không ngày trở về và Ba Đình nắng vàng khẳng định chân lý ngàn năm: Nước Việt là của Người Việt.
Hãy nhớ về Sử Việt, hãy để Sử Việt có một chỗ đứng không thể thay thế trong trái tim những người thanh niên chúng ta. Hãy làm giàu cho chính mình và Tổ quốc này bằng trái tim luôn khát khao tự hào theo gương tiền nhân Dựng xây - Phát triển đất nước không những giàu đẹp mà còn hùng cường hơn nữa trong Thời đại mới, trong Thiên niên kỷ thứ III của nhân loại.
Đó là Sứ mệnh và Trách nhiệm của Chúng ta đối với Tiền nhân và Con cháu chúng ta!
Quang Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét