YEUSUVIET.COM - Lịch sử Việt Nam trải qua các thời kỳ đều mang đủ trong mình mọi câu chuyện tượng trưng nhất cho một dân tộc lập quốc. Từ ngàn năm nô lệ đến những chiến trường thắm đẫm máu và nước mắt của người Việt, với một lòng quyết chí giữ lại nền độc lập, tự chủ và tự do cho dân tộc. Từ những vó ngựa bình Tống dẹp Chiêm, chinh Nam đánh Bắc trải qua những sườn đồi heo hút, hiểm trở của miền trung đầy nắng gió, cho đến những bước chân khai phá đến miền nước độc, rừng thiêng Nam bộ, một Việt Nam đã hình thành và gắn chặt với những bước chân đó... là đình làng! Trên hành trình dài đằng đẵng mấy trăm năm, đình Dư Khánh (thôn Dư Khánh, xã Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Bình Thuận) cũng đã được dựng lên theo dòng chảy dân tộc ở địa phương như thế.
Bài liên quan
Nếu ai đó từng muốn tìm ra lý do vì sao Việt Nam sau 1.000 năm Bắc thuộc vẫn giành lại quyền tự chủ cho giống nòi Việt, thì câu trả lời nằm nơi làng xã Việt. Nơi đó - một cuộc sống Việt gắn kết đã khiến cho tinh thần Việt không bao giờ bị lụi tàn. Mỗi làng xã Việt đều có một nơi để tụ họp cùng bàn việc của làng, của nước từ xưa đến nay, nhưng để xác định những ngôi đình đầu tiên như hôm nay đã có vào năm nào, thế kỷ nào thì quả thật rất khó. Chỉ biết rằng, đình được dựng nên ở làng, trong đình thờ Thành hoàng - vị thần được dân làng tôn vinh và tin tưởng sẽ bảo vệ cho làng, cho dân, cho nước khỏi mọi hiểm nguy, trắc trở. Xa hơn, đình được dựng lên theo bước chân khai hoang của người dân tứ xứ tại những vùng đất mới, làm nơi để tụ họp và cùng bạn bạc những câu chuyện cho công việc tiếp theo.
Tỉnh Ninh Thuận ngày nay nằm trên vùng đất Panduranga ngày xưa và từng có tên Thuận Thành trấn cho đến năm 1832. Với đình Dư Khánh, năm 1819, sau một khỏang thời gian dài khai hoang, khẩn đất từ chính quyền Đàng Trong, vùng đất mới đã dần hình thành và những người đứng đầu nhóm dân khai hoang gọi là Hương chức của làng có ý định lập đình theo truyền thống của người Việt. Nhưng vì dân số lúc ấy còn ít, mọi người chỉ lập tạm ngôi miếu để tạm là nơi trung tâm của dân cư mới. 24 năm sau, khi dân cư đã đông đúc hơn, cuộc sống tại vùng đất mới đã dần có thế hệ mới tiếp quản, người dân quyết định tu bổ lại ngôi miếu và đến năm 1858, đình Dư Khánh được đại tu một lần nữa để trở nên khang trang hơn, tương xứng hơn sau gần 40 năm ngôi làng được hình thành. Hiện nay, trong đình Dư Khánh vẫn còn ghi lại tên gọi các vị hương chức có công với làng như Hương sư Lê Quang Vận, Hương chủ Kiều Văn Thư, Đốc công Trần Văn Sanh, Đốc tượng La Văn Sơn... Tuy nhiên, đáng tiếc là vị Thành hoàng của đình lại không rõ lai lịch nhưng đã được Hoàng đế Tự Đức sắc phong "Tĩnh hậu trung đẳng thần".
Đình Dư Khánh sau khi được xây dựng và trải qua đến hôm nay đã có một diện mạo bề thế. Đình tọa lạc trên khuôn viên khoảng 1.956m2 với ác công trình tiêu biểu của đình làng Việt như cổng tam quan, tòa chánh điện, nhà tiền hiền, bức bình phong, sân đình và nhà trù (bếp), nhà cối (kho). Ngoài ra, còn có hai dãy nhà nằm ở hướng Bắc và hướng Nam của đình và dãy tường kiên cố bao xung quanh khu đất đình tọa lạc.
Đình Dư Khánh là tiêu biểu cho lối kiến trúc của mái đình Việt. Tại cổng tam quan để bước vào đình, cửa Trung môn có hai tầng ba lớp mái và hai cổng hai bên có một tầng hai lớp mái, trên cổng Trung môn có cặp rồng bằng sứ xanh và hai cổng hai bên là cặp búp sen chớm nở cùng với các đường chạm khối, trang trí Bát tiên, Hoa khôi, Dơi... đã đủ diễn tả vẻ uy nghiêm mang đậm chất văn hóa Việt của đình. Bên trong, đình có bình phong nội (bình phong ngoại nằm trước cổng đình cũng chạm trổ tinh xảo) xây dựng theo kiểu tứ trụ với hai cặp lân, rồng xanh chính diện cùng với hình ảnh long - phụng chạm nổi ở mặt trước bình phong thể hiện âm dương hòa hợp, mưa thuận gió hòa.
Đình Dư Khánh nằm gần bãi biển Ninh Chữ. Phía Bắc đình là dòng sông Tri Thủy, phía Nam là ngọn núi Bút, phía Tây là ngọn Cà Đú, cửa đình hướng về biển cả mênh mông với ngọn núi Tân Án án ngữ. Khi du khách ghé thăm Ninh Thuận, đến thăm biển Ninh Chữ có thể ghé lại thăm đình Dư Khánh để cảm nhận vẻ không khí tĩnh mịch nhưng không u tịch của mái đình Việt cũng như tìm thấy sự thư thái, an nhiên và nhẹ nhàng của chốn thiêng nơi lưu giữ linh hồn tiền nhân thuở trước. Tại đình Dư Khánh, với không gian lắng đọng, người viếng thăm sẽ như đang được nghe lại những câu chuyện thuở xa xưa của tiền nhân đi về miền rừng thiêng, nước độc khai khẩn đất hoang làm nơi nương thân ngàn đời cho con cháu!
Đình Dư Khánh như muôn vạn ngôi đình khác trên lãnh thổ Tổ quốc từ Bắc chí Nam, là nơi lưu giữ những khát vọng dựng nước, giữ nước và mở nước của tiền nhân! Nhìn vào đình, chúng ta như nhìn thấy lịch sử mở nước của cha ông mà thêm lòng tự hào về Sử Việt, về những tiền nhân đã luôn không ngơi nghĩ mà nhìn về tương lai, nghĩ cho con cháu của dân tộc. Chúng ta phải giữ lấy tinh thần và ý chí đó, để truyền lại cho con cháu đời sau lòng quyết tâm giữ lấy từng tấc đất, tấc sông, tấc biển mà người xưa đã dùng máu và nước mắt để mở ra! Đó là lời tiền nhân vọng về nơi những mái đình Việt như đình Dư Khánh!
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét