Tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng chính thức tại Việt Nam.
Trong quá trình lịch sử thăng trầm kéo dài hàng nghìn năm, người Việt luôn nói
Tiếng Việt bằng những chữ Viết khác nhau qua từng thời kỳ để diễn tả ngôn ngữ của
mình:
1- Chữ Việt cổ: khi người Việt lập quốc và chưa bị người Hán
đô hộ.
2- Chữ Hán: khi người Hán đô hộ, nhưng người Việt đã tiếp
thu và tạo ra hệ thống từ Hán - Việt cho riêng mình.
3. Chữ Nôm: chưa thống nhất về sự ra đời, nhưng chữ Nôm được
xây dựng từ chữ Hán thành chữ viết riêng của người Việt.
4. Chữ Quốc ngữ: ra đời khi các giáo sĩ truyền đạo Công giáo
vào Đại Việt khoảng thế kỷ XVII, với việc dùng chữ cái Latin để ghi lại lời
phát âm của người Việt.
Bài liên quan
Tiếng Việt hiện tại chúng ta đang sử dụng hình thành từ thế
kỷ XVII do hai giáo sĩ Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa dùng ký tự Latin để
thể hiện âm sắc phát âm của người Việt.
Sau đó giáo sĩ Alexandre De Rhodes đã hệ thống các ký tự này
lại cùng sự hỗ trợ của các thầy giảng Việt Nam. Cuối cùng, quyển từ điển Việt -
Bồ Đào Nha - Latin do ông chủ biên đã xuất bản lần đầu tiên năm 1651 tại Rôma -
đánh dấu bước ra đời chính thức một cách có hệ thống của chữ Quốc ngữ.
Tên gọi chữ quốc ngữ được sử dụng theo cách gọi từ tờ Gia Định
Báo của nhà bác học Trương Vĩnh Ký - tờ báo Tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam.
Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn lập. Trong cấu trúc Tiếng Việt,
từ mang ý chính đứng trước, từ mang ý phụ đứng sau (vd: Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa). Đồng thời, Tiếng Việt phức tạp nhất ở hệ thống đại từ nhân xưng (cô, dì,
chú, bác, cậu, mợ, thím, anh trai, em gái, chị gái...) và hệ thống này càng phức
tạp hơn khi mỗi địa phương có cách gọi khác nhau (vd: o - dì - cô - mợ - mự)
Tiếng Việt cho đến hôm nay, là sự kết hợp của các loại từ vựng:
1- Từ thuần Việt: núi, sông, trời, đất...
2- Từ Hán Việt: sơn, hà, thiên, địa...
3- Từ mượn: phanh, lốp, pê-đan (tiếng Pháp); bia, bít tết,
cà phê (tiếng Anh); xô-viết, bôn-sê-vich (tiếng Nga)
4- Từ hỗn chủng: nhà băng, game thủ, vôi hóa...
Có lẽ, giống như tính cách của người Việt, sự trộn lẫn từ ngữ
trên đây không những không làm mất đi nét văn hóa Việt, nhưng bù lại đã làm
phong phú thêm kho tàng Tiếng Việt.
Tiếng Việt - hay chính xác là ngôn ngữ nói của người Việt,
khi chuyển thể sang chữ cái Latin đã không được truyền tải đầy đủ âm sắc, từ vựng
và ngữ nghĩa từ bộ chữ cái Latin gốc.
Do đó, năm 1651, khi soạn thảo Từ điển Việt - Bồ - La, giáo
sĩ Alexandre De Rhodes đã phải mượn thêm dấu sắc, huyền, ngã từ tiếng Hy Lạp cổ
và thêm dấu nặng, dấu hỏi để biểu lộ thanh giọng của người Việt. Và một số âm
ghép có nguồn gốc nước ngoài như nh (Bồ Đào Nha), gi (Ý), ph (Hy Lạp cổ)... được
thêm vào.
Đến năm 1838, cuốn từ điển "Nam Việt dương hiệp tự vị"
được giáo sĩ Taberd xuất bản tại Ấn Độ dựa trên thủ bản của giáo sĩ Bá Đa Lộc -
cận thần của vua Gia Long, đã bắt đầu xuất hiện các âm "v, b, tr, l,
s...". Và Tiếng Việt thời kỳ này xem như đã hoàn chỉnh căn bản so với hôm
nay.
Tiếng Việt được sử dụng "chính thức" trước tiên từ
các giáo sĩ truyền giáo, do nhu cầu học hỏi tiếng địa phương để giao tiếp và giảng
đạo. Sau đó, cộng đồng Công giáo sử dụng ngôn ngữ này. Tuy nhiên, cho đến hôm
nay, các văn bản Công giáo còn lưu lại là tài liệu quan trọng về cách phát âm của
Tiếng Việt cổ.
Ngày 22/2/1869, sau khi bình định xong Nam Kỳ, người Pháp đã
ra nghị định chính thức bắt buộc sử dụng kiểu chữ Tiếng Việt này thay cho chữ
Nho trên toàn cõi Nam Kỳ.
Sau khi đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập, ngày 8/9/1945 Chủ tịch Hồ
Chí Minh ký Sắc lệnh 20/SL về việc cưỡng bách học chữ quốc ngữ không mất tiền.
Từ đây chữ Quốc ngữ - tuy mới hình thành gần 400 năm, nhưng đã mang trọn vẹn
văn hóa Việt, trở thành chữ Việt của nước Việt Nam mới cho đến tận hôm nay.
Như vậy, dù mới trải qua gần 400 năm hình thành và phát triển,
nhưng chữ viết Tiếng Việt hiện đại vẫn mang trong mình đầy đủ những nét văn hóa
và bản sắc tinh hoa truyền thống của người Việt Nam. Tiếng Việt hay bất cứ ngôn
ngữ nào khác nếu có bất cập, tự chính nó sẽ xuất hiện, lan truyền và tự tạo động
lực tất nhiên để cả Dân Tộc cùng thay đổi để Tiếng Việt tốt đẹp hơn.
Và Tiếng Việt hôm nay thật tuyệt vời, vì chính ngôn ngữ này
đã thể hiện trọn vẹn hình ảnh, bản chất và dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam: đón
nhận, thuần hóa, giao thoa và phát triển.
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét