YEUSUVIET.COM - 1.000 năm Bắc thuộc đã trôi qua cách hiện tại gần 1.100 năm. Nhưng những dấu ấn và tàn tích của thời kỳ này vẫn còn kéo dài sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Vương Quyền và cho đến tận ngày hôm nay. Hai trong số những dấu tích mà nay như đã trở thành một thói quen, đó là tư tưởng Nho giáo đã ăn sâu đậm trong tiềm thức người Việt Nam cùng niềm vui về một Tết Nguyên đán - Tết cổ truyền của dân tộc. Nhưng bài viết này không nói về những dấu tích, bài viết này nói về lý do: lý do nào đã khiến Đại Việt - Việt Nam - người Việt thoát khỏi cuộc đồng hóa của người Hán sau 1.000 năm đô hộ của những người láng giềng hung hãn và tàn bạo, đâu là lý do???
Bài liên quan
Hầu hết, kiến thức và tư duy lịch sử phổ thông sẽ cho mỗi người một câu trả lời hầu như đồng nhất rằng: chính lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần khát khao độc lập của người Việt đã giúp cho dân tộc này giành lại quyền tự chủ sau 1.000 năm bị người Hán đô hộ và đồng hóa. Câu trả lời là đúng và chính xác. Nhưng lịch sử không chỉ đơn giản với vài dòng như "đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt 1.000 năm đô hộ phương Bắc", hay xa hơn một chút là "Cột đồng ấy gãy thì Giao Chỉ bị diệt, nên người
Việt đi qua dưới chân cột đồng ấy cứ lấy đá bồi đắp lên mãi thành gò đống cao.
Đó vì sợ cột đồng ấy bị đổ gãy" - một trận đánh đơn thuần không làm chấm dứt Bắc thuộc mà là cả một quá trình chuẩn bị cho trận đánh đó và quá trình kiên cường giữ thành quả về sau, cột đồng gãy Giao Chỉ diệt và người Việt làm đủ cách để cột đồng không gãy, để Giao Chỉ không diệt và để nước Việt trường tồn, không chỉ bằng cách lấy đá bồi đắp thành gò đống cao.
Cũng vậy, đơn giản một lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần bất khuất không thể mang đến độc lập và tự chủ cho người Việt trước người Hán. Lòng yêu nước và tinh thần đó chỉ là một ngọn lửa thôi thúc trong lòng những người còn yêu nước. Còn trong thực tiễn, trong hiện thực xã hội, trong cuộc sống thì cần một lý do thực tế hơn, cụ thể hơn và rõ ràng hơn.
Trải qua dòng lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, từ thuở huyền sử Cha Rồng Mẹ Tiên trăm trứng nở trăm con, 50 con theo Cha xuống biển, 50 con theo Mẹ lên rừng, tôn người con trưởng làm vua, gọi rằng Hùng Vương, đời đời yêu thương, săn sóc giữ gìn nhau cho đến ngày nước mất, rơi vào đêm trường nô lệ đàng đẵng hơn 1.000 năm rồi mới giành lại được độc lập, tự chủ thì chính sự tồn của LÀNG XÃ là lý do để nước Việt hình thành, đất Việt được gìn giữ và dân tộc Việt Nam được tự chủ, trường tồn.
Làng xã Việt có một cấu trúc đặc biệt với công thức: bao bọc xung quanh là lũy tre, bên trong gồm những người cùng họ (nếu làng nhỏ) hoặc khác họ (nếu làng to, người cùng họ lại sống cùng nhau trong thôn, xóm...), tiếp đến có đình là nơi hội họp của làng, có đền thờ Thành Hoàng là nơi thể hiện đời sống tâm linh sâu sắc của người Việt và chùa chiền, cơ sở tôn giáo. Cấu trúc này đến hôm nay đã hình thành rõ nét, nhưng từ thời Hùng Vương và suốt 1.000 năm đô hộ, các đời Ngô, Lương, Tề, Hán, Đường dẫu có đô hộ, đồng hóa như thế nào, tàn ác như thế nào cũng không bao giờ phá bỏ được lũy tre bao quanh làng và cuộc sống Việt bên trong từng lũy tre đó.
Xã hội nào cũng cần một đại Anh hùng thống lãnh toàn dân tộc trong một thời kỳ khó khăn hay vận hội nào đó. Nhưng tất cả những gì họ làm đều phải "đi qua làng xã", phù hợp với làng xã và được làng xã thông qua. Tinh thần yêu nước, khát khao độc lập là một biểu hiện của "bên trong" mỗi con người yêu nước và làng xã là biểu hiện bên ngoài của tinh thần yêu nước đó, khát khao độc lập đó. Bất kỳ một hệ thống chính quyền lãnh đạo quốc gia nào cũng đều đi lên từ làng xã, vì nơi làng xã là nơi có dân, có người, có lính cho những trận chiến sống còn vì vận mệnh tồn vong của dân tộc.
Từ Lý Nam Đế đến Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Vương Quyền; từ Lý Thường Kiệt, Đức Thánh Trần, Quang Trung hoàng đế cho đến thế hệ những người Cộng sản của Ba Đình 1945, tất cả đều từ làng xã đi lên, xây dựng và quy tụ lòng tin của nhân dân, chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm, giành lại và giữ quyền độc lập, tự chủ của dân tộc.
Dẫu người Hán có tàn ác đồng hóa người Việt suốt hơn 1.000 năm, nhưng trong những đêm tối vẫn không thể tận diệt được những cuộc bàn bạc, thảo luận của từng người dân đen về vận nước, về cuộc đời họ và về số phận của dân tộc này. Dẫu người Hán có tiến hành chiến tranh tàn ác, thiếu rụi những ngôi làng, tàn sát những dòng họ nhưng vẫn không bao giờ dẹp yên được những đêm ngậm tăm miệt mài luyện võ, thức thâu đêm bàn luận việc nhà và nuôi chí đánh đuổi ngoại xâm, giành lại tự chủ quốc gia. Tất cả những điều đó đều có làng bảo vệ.
Người thủ lĩnh của làng bao giờ cũng là người cao niên nhất, họ là những bô lão mà năm xưa Thái Tông nhà Trần đã mời đến kinh đô để hỏi mưu sách đánh giặc cứu nước, trăm người muôn lời như một miệng phát ra "ĐÁNH". Họ càng lớn tuổi, sống giữa làng, giữa dòng họ, giữa gia đình đã tự hình thành nên trong họ một tinh thần và một lòng cương quyết cương trực bảo vệ cho chính nghĩa, sự thật trong ngôi làng mà chính thời gian đã trao cho họ trách nhiệm phải nhìn giữ bình yên của ngôi làng mình đã sinh ra và lớn lên.
Vậy nên, ngày nào làng xã còn, ngày nào những lũy tre chưa thôi bao bọc từng ngôi làng, những đêm trăng không thôi tiếng người Việt gọi nhau và những trưởng làng chưa thôi lòng trách nhiệm với con cháu, thì ngày đó nước Việt vẫn còn trường tồn mãi với thời gian, với thiên thu vạn đại, với ngàn năm hậu thế. Và người Hán đã kết thúc giấc mộng 1.000 năm đồng hóa của họ vì người Việt có làng xã trong cuộc sống của mình như thế. Giấc mộng đó đã tàn lụi và mãi mãi không bao giờ có thể trở thành sự thật.
Làng còn, nước Việt còn. Làng không bao giờ mất, nước Việt không bao giờ mất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét