YEUSUVIET.COM - Năm 938, Ngô Vương đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Đến thế kỷ XV, Nhà Hồ cướp ngôi Nhà Trần, tôn thất Nhà Trần nhiều người sang cầu cứu nhà Minh, Trung Quốc. Nhà Minh lấy danh nghĩa "phù Trần diệt Hồ" mang quân sang tiêu diệt nhà Hồ và áp đặt chính quyền đô hộ, âm mưu đưa nước ta trể về thời kỳ Bắc thuộc. Năm 1417, Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở núi Lam Sơn, qua 10 năm chiến đấu gian khổ thì giành lại được nước nhà, sáng lập nhà Hậu Lê. Ba năm sau ngày ca khúc khải hoàn, Lê Thái Tổ cho soạn sách Lam Sơn thực lục với ý muốn truyền lại cho con cháu đời sau biết được Ngài đã phải khốn khó như thế nào để giành lại được độc lập dân tộc từ bọn giặc phương Bắc hung ác, tàn bạo.
Bài liên quan
"Lam Sơn thực lục" còn lưu truyền đến ngày hôm nay mang trong mình một giá trị lịch sử vô cùng quý giá. Tương truyền rằng, sách do Lê Thái Tổ sai Nguyễn Trãi biên soạn như việc biên soạn "Bình Ngô đại cáo". Do vậy nên ngoài lời đề dẫn và lời tổng kết quyền sách, nội dung còn lại đều là lối viết kể về công việc và sự nghiệp Lê Thái Tổ đã làm trong suốt 10 năm chống giặc Minh.
Tác phẩm được viết năm 1431 - 3 năm sau khi đánh đuổi quân Minh và gồm có 3 phần chính và phần Lời tựa. Phần Lời tựa với ngôn từ xưng "trẫm" nên là lời viết của Lê Thái Tổ. Phần thứ nhất kể về những ngày đầu khởi nghĩa cuối năm 1417 cho đến khi bao vây thành Nghệ An năm 1424. Những sự kiện quan trọng và đáng nhớ nhất trong phần này, đó là những năm tháng đầu khởi nghĩa khổ cực của nghĩa quân. Có lúc lực lượng bị đánh tan tác, quân lính bỏ chạy hết, chỉ còn lại mình Lê Thái Tổ và vài cận thần. Là 3 lần bị vây lên núi Chí Linh, phải giết cả ngựa chiến của Thái Tổ để nuôi quân lính hay Lê Lai phải khoác hoàng bào mà thay chúa chịu chết...
Phần thứ hai là diễn biến giai đoạn quân lam Sơn chủ động tấn công ra Bắc, tiêu diệt các lực lượng chiếm đóng của quân Minh từ năm 1424 đến năm 1428. Bằng kế hoạch Nguyễn Chích đầy táo bạo nhưng cực kỳ đúng đắng, nghĩa quân Lam Sơn đã xây dựng cho riêng mình một thế chân đứng vững vàng tại Nghệ An. Từ khu vực yết hầu trọng yếu này, nghĩa quân giải phóng một vùng rộng lớn ở sau lưng để tạo hậu phương vững chắc về quân lực và lương thực cũng như dân chúng. Từ đó, một bàn đạp mạnh mẽ và chắc chắn đã giúp nghĩa quân chỉ trong vòng 4 năm mà tiến quân ra Bắc, quét sạch không chỉ quân Minh đồn trú mà cả hơn 10 vạn viện binh Trung Hoa ngay khi chúng vừa kéo sang.
Phần thứ ba, là những tháng ngày sau chiến thắng, là 3 năm sau ngày nghĩa quân Lam Sơn ca khúc khải hoàn ca. Phần này chép lại bản Bình Ngô đại cáo và lời giải thích của Lê Thái Tổ cho chiến thắng, chính nghĩa cuối cùng cũng đã thuộc về dân tộc. Trong đoạn cuối của lời tổng kết này, Ngài đã viết rằng:
"Đời sau kẻ làm con cháu Trẫm, hưởng cái giàu sang ấy, thì phải nghĩ đến Tổ tông Trẫm tích lũy nhân đức đã bao nhiêu là ngày tháng, cùng công phu Trẫm khai sáng cơ nghiệp bao nhiêu là khó khăn.
Mặc những gấm vóc rực rỡ, thì phải nghĩ đến Trẫm ngày xưa áo quần lam lũ, không kể đông, hè.
Hưởng những cổ bàn ngon, lành thì phải nghĩ đến Trẫm ngày xưa hàng tháng thiếu lương, chịu đói nhịn khát.
Thấy đền đài lộng lẫy thì phải nghĩ đến Trẫm ngày xưa ăn mưa, nằm cát, trốn lủi núi rừng.
Thấy cung tần đông, đẹp thì phải nghĩ đến Trẫm ngày xưa thất thểu quê người, vợ con tan tác.
... Trẫm nghĩ làm ra bộ sách này, thực là rất trông mong con cháu đời sau"
"Lam Sơn thực lục" ngày nay đã trở nên quen thuộc trong việc học lịch sử và tìm hiểu lịch sử nước nhà. Tác phẩm được viết bằng tinh thần của một vị Hoàng đế vừa trải qua 10 năm gian khổ chiến đấu đề giành lại độc lập cho dân tộc. Nên Ngài thật sự trân quý biết bao những giây phút khi non sông thái bình, nhân dân yên vui và không còn bóng dáng giặc ngoại xâm từ phương Bắc. "Lam Sơn thực lục" được viết ra, có thể xem như một lời nhắn gửi không chỉ của riêng Lê Thái Tổ mà còn là cả của những tiền nhân đã dựng nước, giữ nước từ xưa đến nay. Rằng nước non Đại-Việt đã phải đánh đổi bằng xương máu của một thế hệ người Việt thế kỷ XV đầy quật cường để giữ vững nền độc lập, tự chủ và tự do. Con cháu Nhà Lê phải ra sức giữ gìn thành quả đó, khi làm bất cứ việc gì phải nhớ đến công lao khó nhọc mà Lê Thái Tổ đã phải đổ ra mà quyết giữ lấy, phát triển quốc gia này trở nên hùng cường để giặc Minh không bao giờ còn chiếm lấy Đại Việt một lần nào nữa!
Đó cũng là lời nhắn nhủ đối với chúng ta hôm nay!
Để đặt mua sách "Khởi nghĩa Lam Sơn" bạn vui lòng click vào đây hoặc nhấn chọn mua sách "Khởi nghĩa Lam Sơn".
Để đặt mua sách "Khởi nghĩa Lam Sơn" bạn vui lòng click vào đây hoặc nhấn chọn mua sách "Khởi nghĩa Lam Sơn".
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét