YEUSUVIET.COM - Thành Cổ Loa là kinh đô thứ hai của người Việt. Tòa thành tọa lạc ở vị trí nay là xã Cổ loa, huyện Đông Anh, thủ đô Hà Nội. Thành Cổ Loa được xây dựng sau khi Thục Phán đánh bại quân đội nhà nước Văn lang của Vua Hùng, thống nhất hai bộ tộc Lạc Việt - Âu Việt và xây dựng nhà nước Âu Lạc - triều đại phong kiến sơ khai thứ hai của người Việt Nam trong lịch sử.
Bài liên quan
Thành Cổ Loa lúc bấy giờ được tọa lạc ở vị trí trung tâm của vùng đồng bằng Bắc bộ, bên cạnh con sông Hoàng - nay đã bị phù sa bồi đắp, trở thành nơi dân cư đông đúc, giao thương phát triển nền kinh tế sơ khởi của người Việt. Thành Cổ Loa còn là nơi thể hiện kỹ thuật quân sự phòng ngự, ý thức bảo vệ quốc gia đạt đến trình độ cao của người Việt trước các cuộc xua quân bành trướng của người Hán từ phương Bắc. Trong giai đoạn này, đã xảy ra cuộc chiến giữa Nhà Tần và Âu Lạc, với kết quả tướng của đội quân xâm lược nhà Tần là Đồ Thư bị giết chết, cuộc xâm lược bị đẩy lui.
Hiện nay, sau hơn 2000 năm, tòa thành đã không còn, sau bao nhiêu biến động thời gian, chỉ còn rải rác vài di tích thành cổ còn tồn tại và các nhà khảo cổ đã tìm được hằng trăm di tích liên quan đến quá trình hình thành và phát triển thành Cổ Loa. Nhưng tại ngôi đền trên thành Cổ Loa xưa, đã kịp giữ lại cho hậu thế những áng màu rêu phong của thời gian mang lời nhắc nhở của tiền nhân dựng nước.
Ngôi đền được xây vào đầu thế kỷ XX, nhưng bên trong vẫn có đôi rồng đá được xây dựng từ thời Trần, Lê. Ngoài ra còn có am nhỏ nơi thờ nàng Mị Châu trong câu chuyện nỏ thần rơi vào tay giặc và giếng Trọng Thủy - nơi chứng kiến cái kết của mối tình chan chứa thương yêu, thủy chung nhưng lỡ mang màu chính trị.
Tuy thành Cổ Loa ngày nay đã không còn là Cổ Loa của những buổi đầu dựng nước. Nhưng khi đến thăm đền, hậu thế vẫn nhìn thấy được những áng rêu phong cổ kính và cảm nhận được nỗi lòng của tiền nhân, với những ai nặng lòng với Tổ quốc, quê hương. Đây đền Mị Châu, kia giếng Trọng Thủy, này đền An Dương Vương và tất cả gộp lại, ở cạnh nhau và nhắc nhở hậu thế câu chuyện "nỏ thần chớ để sa vào tay giặc và đừng để trái tim phải lầm lỡ để trên đầu.
Ghé thăm đền thờ Cổ Loa, chúng ta nhớ thắp lại đây một nén nhang để ghi nhớ công ơn dựng nước, giữ nước của vua Thục Phán. Và cũng là nén hương cảm thông cho số phận nàng Mị Châu trót vì tình yêu mù quáng mà để cả dân tộc rơi vào trường nô lệ, cả cơ nghiệp quốc gia phút chốc sụp đổ vì trái tim yếu đuối của người đàn bà. Và cả cho Trọng Thủy nữa, kẻ chung tình nhưng không sống trong thời đại dành cho những kẻ tình chung...!
Địa danh sử Việt miền Bắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét