YEUSUVIET.COM - Lịch sử Việt Nam qua các triều đại không giống như lịch sử Mông Cổ với những bước chân ngựa thần tốc hùng bá thế giới. Lịch sử Việt Nam cũng không giống lịch sử Trung Hoa vượt Trường Giang, bành trướng từ trung nguyên ra khắp đại lục. Lịch sử Việt Nam mang trong mình một nét riêng của sợi chỉ đỏ xuyên suốt chống ngoại xâm trong suốt qua trình dựng nước và giữ nước. Nhưng lịch sử Việt Nam còn tự khắc riêng cho mình những cuộc nội chiến, những loạn lạc chiến trận, những tang tóc chia ly vợ chồng - cha con, mà khi từng cuộc nội chiến kết thúc, nhân dân luôn là bên phải gánh chịu những đau thương, thiệt thòi nhiều nhất.
Bài liên quan
>>> Nhân gian nằm nghiêng - Hào khí, tình yêu và số phận
>>> Trạng Quỳnh - Thêm một bom tấn cổ trang Sử Việt
>>> Trịnh Tùng - Phế vua như một trò chơi - Gian hùng hay anh hùng một thời
"Nam triều công nghiệp diễn chí" (Diễn chí) của Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736) là một trong số ít những tác phẩm tiểu thuyết nhưng không hoàn toàn là tiểu thuyết, đã khắc họa gần như hoàn hảo giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh với 8 cuộc đại chiến, huy động hàng chục vạn người tham chiến suốt gần nửa thế kỷ (1627-1672). Tác phẩm được viết khoảng năm 1719, thời Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu. Theo nhiều đánh giá của các học giả sử học hiện đại hay gần với thời kỳ của Bảng Trung hầu, tác phẩm được viết khi ông đang đương chức trong triều đình Đàng Trong, theo sự yêu cầu của Chúa Minh nên tác phẩm chắc hẳn không thể viết những lời sai, không đúng sự thật đương thời. Do đó, "Nam triều công nghiệp diễn chí" có một ý nghĩa riêng trong việc nhìn nhận lại cuộc nội chiến đẫm máu trong lịch sử dân tộc vào thế kỷ XVII.
Diễn chí bắt đầu bằng sự kiện Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lên đường vào Nam trấn thủ theo lệnh của Thái sư Trịnh Kiểm. Mang tiếng là trấn thủ, nhưng thực ra Chúa Trịnh muốn nhờ thế lực họ Mạc đang đóng tại Thuận Hóa tiêu diệt lực lượng của Chúa Tiên, nhằm bỏ đi mối họa Nguyễn Hoàng một cách đường đường chính chính. Nhưng Chúa Tiên Nguyễn Hoàng không những tiêu diệt được lực lượng nhà Mạc tại đây, mà còn bắt đầu gầy dựng những nền móng đầu tiên để xây dựng chính quyền họ Nguyễn bên kia Hoành Sơn - Đèo Ngang.
Tác phẩm nói về cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn với tác giả là một quan chức chính quyền Đàng Trong, nhưng xuyên suốt tác phẩm, từ những lời lẽ bình luận về các Chúa Trịnh, vua Lê không quá mang ý phê phán, chê bai cho đến những thước hình ảnh nhân dân phía Nam phải chịu mất mùa, đói rét, những miền đất khô cháy, cằn cỗi đều toát lên một hình ảnh khách quan về Đại Việt trong buổi nội chiến, loạn lạc.
Như vào thời Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601-1648) - một trong những vị Chúa Nguyễn sáng giá nhưng cũng vướng nhiều điều tai tiếng, Diễn chí đã viết "Hai xứ Thuận - Quảng đại hạn, lúa má cháy khô... một đấu gạo giá một quan tiền mà ở chợ không ai bán, người chết đói đầy đường. Cũng có khi tù nhân bị giết vứt thây ở chợ, dân đói tranh nhau xé thịt nướng ăn chỉ cốt sao giữ cho được mạng sống". Đoạn trích này chắc hẳn không thể sai, vậy nên sự thật được khắc họa trong Diễn chí cũng phần nào thật sự khách quan, đáng để cho chúng ta xem xét, suy nghĩ.
Diễn chí kết thúc vào năm 1689, đời Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Tần. Cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn với 8 cuộc đại chiến đã tạm kết thúc, chính quyền hai bên đi vào giai đoạn tái thiết từ năm 1672, kéo dài khoảng 100 năm - 100 năm nhân dân được vui hưởng thái bình, không chinh chiến. Nhưng sự thịnh vượng đó còn xen lẫn những mâu thuẫn giữa chính quyền và nhân dân, giữa người nông dân dãi nắng giầm mưa và tầng lớp quan lại tham ô, nhũng nhiễu. Đó cũng là lý do mà ba anh em nhà Tây Sơn sẽ dựng cờ khởi nghĩa vào năm 1771.
"Nam triều công nghiệp diễn chí" (Diễn chí) của Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm là một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử rất đáng đọc, để chúng ta có thể nhìn về lịch sử mà rút ra cho chính mình những bài học từ tiền nhân đã trải qua. Nhiều nhất trong đó, có lẽ là bài học về lòng khoan dung, nhân hậu của các Chúa Nguyễn thời kỳ đầu đã hết lòng chăm lo dân chúng để gây dựng cơ đồ nhà Nguyễn.
Và triều đại nào thật sự được lòng dân, triều đại đó sẽ hình thành và đứng vững dù trong gian khó thế nào, đó là lý do Nguyễn Ánh đã đánh bại nhà Tây Sơn. Và triều đại nào không kịp thời thay đổi, vẫn u mê lạc hậu trong giáo điều cũ xưa, đi ngược lại lợi ích cấp thiết của dân tộc trong thời đại mới, triều đại đó sớm muộn sẽ đến ngày diệt vong. Đó là lý do một Vương triều Nguyễn mang nhiều công lao to lớn đối với dân tộc, cuối cùng đã bị loại khỏi con đường lãnh đạo quốc gia.
Để đặt mua sách "Nam triều công nghiệp diễn chí" Nguyễn Khoa Chiêm bạn vui lòng click vào đây hoặc bấm chọn mua sách "Nam triều công nghiệp diễn chí" Nguyễn Khoa Chiêm.
Để đặt mua sách "Nam triều công nghiệp diễn chí" Nguyễn Khoa Chiêm bạn vui lòng click vào đây hoặc bấm chọn mua sách "Nam triều công nghiệp diễn chí" Nguyễn Khoa Chiêm.
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét