YEUSUVIET.COM - Lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ đã ghi đậm dấu ấn chống ngoại xâm của cha ông chúng ta. Giai đoạn hơn 1.000 năm Bắc thuộc như một đêm trường nô lệ với giấc mộng đồng hóa dân tộc Việt của người Hán, cuối cùng cũng thất bại và không bao giờ thành sự thật. Nhưng, trong đêm trường Bắc thuộc đó, giữa một bầu trời đen tối của dân tộc như thể đang chờ ánh hừng đông của của bình minh độc lập, tự do, đã xuất hiện những ánh sao đêm le lói, tỏa sáng và dẫu có vụt tắt, vẫn kịp để lại trong đêm đen tăm tối những ánh sáng huy hoàng của màu hy vọng tự do, tự chủ và tự cường.
Bài liên quan
>>> Hoàng đế Lê Nhân Tông - Người minh quân mang số kiếp đoản mệnh
>>> Vua Thành Thái - Vị vua yêu nước của Vương triều Nguyễn trong thời kỳ rối ren
>>> Hoàng đế Lê Thánh Tông - Một Đại Việt siêu cường trong quá khứ như giấc mơ của hiện tại.
>>> "Trưng Vương" - SHE KINGS - Phim điện ảnh huyền sử Việt đang được mong chờ
>>> Đại Việt sử ký toàn thư - Quyển sử khắc in thời Vua Lê Chúa Trịnh
>>> Đại Việt sử ký toàn thư - Quyển sử khắc in thời Vua Lê Chúa Trịnh
Nếu phải mất hơn 500 năm sau ngày Trưng Nữ Vương giành độc lập ngắn ngủi cho dân tộc, Lý Nam Đế mới gây dựng lại quốc thống với hơn 50 năm tự chủ từ 541 tới 602 trải các đời Triệu Việt Vương, Hậu Lý Nam Đế, thì đến năm 713, vị Hoàng đế thứ hai của dân tộc trong thời Bắc thuộc đã xuất hiện - Mai Hắc Đế.
Vào năm 602, Lý Phật Tử đầu hàng nhà Tùy, bị bắt đưa về Trung Hoa rồi chết, nước Nam lại rơi vào vòng đô hộ của nhà Tùy, nhà Đường về sau.
Sau đó, tại vùng đất nay là huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, có một chú bé vừa được sinh ra. Nguyên khi người mẹ là bà Mai An Hòa mang thai, nằm mộng thấy nhận được viên ngọc từ tay một thần nữ, khi đang nhận thì ngọc rơi xuống đất, vỡ tan ra, tiếng vang rất lớn, rồi bà tỉnh giấc. Bà đem chuyện này nói với chồng là ông Mai Hoàn, sau ông đặt cho đứa bé tên Mai Phượng, hiệu là Thúc Loan. Hai ông bà mất sớm, lên 10 tuổi thì Thúc Loan đã mồ côi cả cha và mẹ. Thúc Loan được ông Đinh Thế mang về nuôi, sau còn gả con gái mình là nàng Ngọc Tô cho Thúc Loan.
Mai Thúc Loan là người có chí lớn, có sức khỏe hơn người và được trai tráng, nhân dân quanh vùng biết tiếng, kính phục. Sách An Nam chí lược viết ông là Soái trưởng Giao Châu. Quan đô hộ nhà Đường lúc này là Quan Sở Khách tàn ác, bắt dân phải nộp sưu cao, thuế nặng. Dân phu trai tráng còn phải cống vải về kinh đô Tràng An nhà Đường để phục vụ cho cung tần, mỹ nữ vua Đường, khiến người chết dọc đường vô số. Mai Thúc Loan không chấp nhận ách áp bức của quân xâm lược, quyết định tụ nghĩa trai tráng dựng cờ đánh đuổi ngoại xâm.
Năm 713, ông khởi nghĩa tại vùng Hùng Sơn (Nghệ An ngày nay), quy tụ chúng quân tại 32 châu cùng nổi dậy, liên kết với quân đội Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân (Malayxia ngày nay) tào thành một liên minh hùng hậu đánh đuổi quan quân đô hộ chạy dài về nước. Mai Thúc Loan lên ngôi vua, lấy niên hiệu Mai Hắc Đế, xây dựng kinh đô ở thành Vạn An - một cách đối xứng với kinh đô Trường An của nhà Đường. Đáng tiếc là sử sách chép lại về giai đoạn này quá ít, một giai đoạn mà có đến hơn 10 năm độc lập của dân tộc đã bị xóa đi gần hết dấu tích trong dòng lịch sử...
Năm 722, nhà Đường đang trong thời kỳ hùng mạnh bành trướng khắp Trung nguyên, Đường Huyền Tông liền sai Dương Tư Húc và Quách Sở Khách dẫn 10 vạn quân của 72 doanh theo đường cũ của Mã Viện, bí mật đánh thẳng vào kinh đô Vạn An. Mai Hắc Đế không chống lại nổi, kinh đô thất thủ, người Việt bị tàn sát không biết bao nhiêu mà kể. Mai Hắc Đế phải lui binh vào rừng, sau sinh bệnh rồi mất năm 722. Các con ông là Mai Thiếu Đế Mai Thúc Huy và Bạch Đầu Đế Mai Kỳ Sơn lần lượt thay ông thống lĩnh nghĩa quân, sau đều thất bại và tuẫn tiết trong cùng năm 722.
Sử sách gọi cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế là "Khởi nghĩa Hoan Châu".
Tưởng nhớ công ơn Mai Hắc Đế đã giành lại độc lập cho dân tộc, ngày nay tại xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vẫn còn đền thờ là nơi thờ tự ông. Tại thôn Mai Lâm, xã Thạch Bắc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng có khu đền thờ vua Mai Hắc Đế, gần đó còn có tượng Mai Hắc Đế được đúc bằng đồng liền khối cao 10,8m nằm dưới chân núi Bằng Sơn.
Cuộc khởi nghĩa vừa nổ ra dù chỉ mang lại cho dân tộc ta 10 năm tự chủ, nhưng bấy nhiêu đó cũng đã nói lên khát vọng độc lập, tự do, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam ta là to lớn như thế nào. Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu của Mai Hắc Đế chính là một trong những nền móng vững chắc cho tâm thức chờ đợi đến ngày quốc gia độc lập, cho ngày tiếng sóng Bạch Đằng gầm thét khúc hùng ca Nước Nam tự chủ, gầy dựng lại quốc thống Hùng Vương.
Vậy nên 1.000 năm Bắc thuộc mà dân tộc ta còn giành lại được độc lập, thì đến cả trăm nghìn vạn năm sau đất nước ta vẫn sẽ mãi độc lập, tự chủ, tự cường và hùng cường hơn nữa. Đó là khát vọng của cha ông chúng ta, của chúng ta và của con cháu chúng ta!
Lê Khắc An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét