YEUSUVIET.COM -Trong "Tây Sơn thất hổ tướng", Lê Văn Hưng có kết thúc bi ai nhất. Ông năm sinh và mất đều chưa rõ, khi hàn vi thì làm phường trộm cướp. Ông là người có sức khỏe, tài năng sử dụng trường côn có thể đánh được cả chục người. Sau khi được một vị sư thầy truyền đạt võ nghệ, ông tụ tập đồng đảng đi đánh cướp vùng Phú Yên và các huyện xa, dân tại huyện quê vì vậy không có ác cảm với ông và băng nhóm. Xoay quanh chuyện đánh cướp, có hai chuyện khác ảnh hưởng đến cuộc đời ông rất sâu đậm.
Chuyện đầu tiên, ông đánh cướp nhà một phú hộ giàu có họ Dương. Ông phú hộ cùng gia nhân cũng có nghề tập võ, ra sức chống cự đuổi theo. Lê Văn Hưng lãnh trách nhiệm đánh tập hậu. Sau một hồi đánh nhau giữa đôi bên, dù đã nương tay để tẩu thoát mà ông phú hộ vẫn bám sát quyết đánh, Lê Văn Hưng lỡ ra đòn chí mạng làm ông phú hộ chết tại chỗ. Tuần phủ Quy Nhơn và Phú Yên ra lệnh truy tầm rất gắt, Văn Hưng đành trốn lên Tây Sơn ghi danh vào nghĩa quân. Dần dà thấy ông có tài năng mà tính tình khẳng khái, vua Thái Đức đã thăng ông đến chức Đô đốc hàm sau Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu.
Chuyện thứ hai, sẵn là trước khi lên đường đi Tây Sơn, ông và một hầu gái tên Bích Ngọc đã cảm mên nhau. Trước hôm đi, ông tặng nàng chiếc nhẫn vàng và hẹn 5 năm sau sẽ về hỏi cưới. 5 năm sau không thấy người về, nàng Bích Ngọc ôm buồn nhịn ăn mà chết. Ông khi ấy đang trấn thủ Diên Khánh, nghe tin mà lòng sầu đau đớn. Lúc sau có người giỏi thuật gọi hồn nàng lên, nàng nói hẹn ông 13 năm sau xin về làm tì thiếp.
13 năm sau, trong buổi chầu ca tại Phú Xuân, một thương gia giàu có mang theo một ca nữ đến hầu. Thoáng nhìn qua làm Văn Hưng sửng sốt vì nàng đã trùng tên lại còn phảng phất hình bóng của người xưa. Cầm tay nàng ông còn thấy tay đeo nhẫn như có vết hằn chính nơi năm xưa nàng Ngọc Bích đã mang. Nghĩ rằng tình duyên tưởng đứt đã lành, duyên nay đã trọn nên ông đón nàng về phủ hết mực thương yêu.
Bản tính ông là người chân chất, ngay thẳng, dù không biết chử nghĩa nhưng là bậc trượng phu, anh hùng. Ông giữ thành Diên Khánh mà quân Nguyễn không thể xâm phạm. Gia Long vì tài ông mà gọi 3 từ Lê Vô Địch một cách trang trọng. Ông từng cùng Nguyễn Huệ đánh tan quân Xiêm La tại Rạch Gầm - Xoài Mút, đánh bại đại quân của Tôn Thất Mậu, bắt sống đại tướng Nguyễn Huỳnh Đức của Gia Long.
Vì là người đồng xứ với Thái sư Bùi Đắc Tuyên và bản chất chân chất, nên lúc đầu ông hay nghe lời Tuyên. Về sau khi thấy Tuyên ngày càng chuyên quyền, o ép thiếu đế, hãm hại trung thần nên Lê Văn Hưng ra mặt chống đối, quyết không nghe lời Tuyên, vạch rõ điều làm sai trái. Nên sau này ông bị Tuyên hãm hại, bức tử chết nhưng vẫn khẳng khái đón nhận. Giả thuyết này được các nhà nghiên cứu cho rằng là phù hợp nhất.
Từ sau cái chết của Lê Văn Hưng, Võ Văn Dũng kéo quân về tiêu diệt Bùi Đắc Tuyên cùng đồng bọn, Trần Quang Diệu thấy biến liền kéo đại quân về đương cự ở sông Hương. Triều Tây Sơn từ đây rối loạn, cơ đồ của Hoàng đế Quang Trung sắp tới ngày đổ nát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét